GIÁO ÁN CHUYÊN ĐỀ CỤM V
Lĩnh vực: Phát triển ngôn ngữ
Đề tài: Bé yêu đồng dao (Rèn kĩ năng đọc đồng dao “Nhớ ơn”)
Chủ đề: Nghề bé yêu
Độ tuổi: 5-6 tuổi
Thời gian: 30-35 phút
Người soạn giảng: Lương Thị Nhỉnh
Người duyệt: Lê Thị Quy - Phó hiệu trưởng
I. Mục đích - yêu cầu:
1. Kiến thức
- Trẻ thuộc bài đồng dao, hiểu nội dung và nhớ tên bài đồng dao, biết đọc đồng dao theo nhịp 2/2 kết hợp một số đạo cụ và nhạc đệm đồng dao trên máy tính.
- Trẻ hiểu đồng dao là thơ ca truyền miệng gắn liền với các trò chơi dân gian. Trẻ cảm nhận được giai điệu vui tươi của bài đồng dao.
2. Kĩ năng
- Rèn kĩ năng đọc đồng dao theo vần, điệu và ngắt đúng theo nhịp 2/2 kết hợp nhịp nhàng cùng một số đạo cụ, nhạc đệm đồng dao
- Rèn kĩ năng diễn đạt rõ ràng, mạch lạc và tự tin ở trẻ.
3. Thái độ
- Giáo dục trẻ yêu quý, nhớ ơn những người nông dân đã vất vả làm ra các sản phẩm nuôi sống con người và nhớ ơn những người đã vì mình, giúp đỡ mình.
II. Chuẩn bị:
- Nhạc đệm đọc đồng dao, nhạc beat bài hát “Nhớ ơn”
- Slide bài đồng dao “Nhớ ơn”
- Sân khấu, gánh hàng rong.
- Một số đạo cụ: Lúc lắc, phách tre, song loan, mõ
- Trang phục cô và trẻ phù hợp
III. Hoạt động:
1. Hoạt động 1: Khúc hát đồng dao
- Cô tạo tình huống: Trẻ đang chơi trò chơi dân gian
- Cô gánh hàng rong xuất hiện và rao bán hàng.
- Giới thiệu các sản phẩm trong gánh hàng rong: Bát cơm, rau muống, quả đào, con ốc….
+ Hình ảnh này gợi cho các con nhớ đến câu đồng dao nào?
+ Tất cả các câu đồng dao các con vừa đọc có trong bài đồng dao nào?
- Cô nhấn mạnh trẻ hiểu về ý nghĩa của đồng dao: Đồng dao là những bài thơ ca dân gian của trẻ em Việt Nam truyền miệng nhau trong xã hội xưa và được lưu truyền đến ngày nay, nó đã mang lại cho trẻ em đời sống tinh thần phong phú với những cảm xúc vui tươi trong sáng, hồn nhiên của trẻ thơ. Đồng dao đã đi sâu trong tâm hồn trẻ thơ.
- Cô giới thiệu: Bài đồng dao nhớ ơn đã được cô Nhỉnh phổ nhạc thành bài hát
+ Cô hát trẻ nghe 1 lần
+ Muốn hát được bài đồng dao này hay như cô Nhỉnh trước tiên cô cùng các con đọc được thật hay bài đồng dao này!
2. Hoạt động 2: Bé yêu đồng dao
2.1. Ôn lại bài đồng dao
- Cô giới thiệu tên bài đồng dao, cùng trẻ đọc ôn lại bài đồng dao
+ Tập thể đọc 1-2 lần (Cô lưu ý sửa sai)
- Cô giảng nội dung bài đồng dao:
+ Bài đồng dao nhắc chúng ta điều gì?
=> Cô khẳng định lại: bài đồng dao nhắc chúng ta phải biết nhớ đến công lao của những người đã làm ra sản phẩm để nuôi sống con người, và nhắc chúng ta nhớ đến công ơn của những người đã vì mình, đã giúp đỡ mình
- Cô đọc trẻ nghe bài đồng dao: Kết hợp cùng các Slide minh họa trên máy tính
- Đàm thoại:
+ Trong bài đồng dao nói về những sản phẩm gì? Thể hiện trong câu đồng dao nào?
+ Tất cả những sản phẩm đó do ai làm ra?
+ Để làm ra những sản phẩm nuôi sống con người đó các bác nông dân đã làm những gì? Chúng ta phải nhớ đến công ơn của những ai?
+ Những câu đồng dao tiếp theo nhắc chúng ta điểu gì? Thể hiện ở những câu nào?
+ 2 câu cuối của bài đồng dao muốn nói cho chúng ta biết về điều gì?
=> Giáo dục trẻ: Để nhớ ơn đến những người đã làm ra những sản phẩm nuôi sống con người và nhớ ơn đến những người đã vì mình, đã giúp đỡ mình thì các con phải biết ngoan ngoãn nghe lời ông bà, cha mẹ, cô giáo và những người xung quanh và phải biết quý trọng sản phẩm của bác nông dân đã làm ra!
- Cô gợi hỏi trẻ: Có ai nghĩ ra được cách nào để đọc bài đồng dao được hay hơn không?
2.2. Rèn trẻ đọc đồng dao kết hợp đạo cụ
* Cô giới thiệu: đồng dao sẽ hay hơn rất nhiều khi đọc kết hợp với một số đạo cụ
- Cô giới thiệu một số đạo cụ kết hợp (Lúc lắc, thanh tre, song loan, mõ)
- Cho trẻ chọn đạo cụ và ngồi theo nhóm thảo luận và trải nghiệm cách đọc.
- Cho trẻ đọc với những đạo cụ mình đã chọn ( Ngồi tại nhóm )
- Cô chọn một đạo cụ đọc mẫu và phân tích cho trẻ hiểu về cách đọc kết hợp cùng đạo cụ: Bài đồng dao được đọc theo nhịp 2/2, tức là cứ 2 từ thì sẽ gõ vào 1 nhịp (Nhắc trẻ ngắt nghỉ đúng nhịp điệu, thể hiện giọng điệu vui tươi, hồn nhiên)
- Cô giới thiệu đã chuẩn bị sân khấu đồng dao cho trẻ lên biểu diễn
+ Cho trẻ lên sân khấu biểu diễn đồng dao (2-3 nhóm)
=> Cho trẻ tự nhận xét lẫn nhau
+ Cô cho mỗi trẻ chọn một loại đạo cụ mình thích làm một dàn hòa tấu đồng dao. (1 lần)
=> Cô lưu ý rèn kỹ năng đọc đồng dao kết hợp đạo cụ cho trẻ
2.3. Rèn trẻ đọc đồng dao kết hợp cùng nhạc đệm
* Cô giới thiệu ngoài đọc kết hợp cùng đạo cụ thì đồng dao còn hay hơn, sinh động hơn khi đọc kết hợp cùng nhạc đệm trên máy tính.
- Cô giới thiệu cách đọc với nhạc đệm: Trước tiên sẽ đọc tên bài đồng dao. Sau khi nghe đến hết đoạn nhạc dồn thì sẽ bắt đầu đọc bắt đầu từ câu đầu đến khi hết bài.
- Cô đọc mẫu với nhạc đệm 1 lần.
- Cho trẻ đọc đồng dao kết hợp nhạc đệm ở các hình thức (Nối tiếp đồng dao, đôi bạn đồng dao, đối đáp đồng dao)
- Cô gọi 1 trẻ lên đọc bài đồng dao và 1 số trẻ khác làm nhạc công gõ đạo cụ (Đọc kết hợp cùng đạo cụ và nhạc đệm): 1 lần
- Cho trẻ nhắc lại tên bài đồng dao vừa học
3. Hoạt động 3. Con tàu đồng dao.
+ Mời các bé lên tàu về thăm thăm làng thơ ca dân gian qua khúc hát đồng dao “Nhớ ơn”, cô sẽ là người lái tàu, các con là hành khách sẽ làm theo hướng dẫn của người lái tàu
- Trẻ lên tàu: khích lệ trẻ trẻ hát và đọc đồng dao cùng cô ( 1 lần ) ./.
*Kết thúc hoạt động*
T.M BAN GIÁM HIỆU
|
Tây Hưng, ngày…..tháng…. năm 2022
NGƯỜI SOẠN
Lương Thị Nhỉnh
|